Đồng USD biến động không đồng nhất tại châu Á

Tại thị trường châu Á, đồng USD có sự biến động không đồng nhất do ảnh hưởng từ những quyết định của đội ngũ "cầm trịch" kinh tế Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích, quyết định cải tổ đội ngũ "cầm trịch" kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama là một nhân tố gây thêm sức ép đối với đồng tiền xanh trong phiên 23/9.

Trước đó, đồng USD đã bị giáng một đòn nặng nề sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục và nhận định sức phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ ở mức "khiêm tốn."

Tại Singapore chiều 23/9, đồng USD tăng nhẹ so với yen, từ mức 84,55 yen/USD trong phiên 22/9 tại New York lên 84,59 yen/USD. Trong khi đó, euro cũng xuống giá so với USD và được giao dịch ở mức 1,3401 USD/euro.

Đồng tiền xanh lên giá so với các đồng tiền của Philippines, Thái Lan, Indonesia và Đài Loan, nhưng lại đi xuống so với đồng won (Hàn Quốc) và SGD (Singapore).

Phiên 23/9, các thị trường tài chính Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ. Theo chuyên gia kinh tế Paul Dales thuộc Capital Economics, với việc tiếp tục các biện pháp tiền tệ dường như không mấy hiệu quả và chính sách tài chính bị "tê liệt" bởi tình trạng bất đồng của hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa), Mỹ không thể tránh được kịch bản tăng trưởng kinh tế yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ không có gì sáng sủa. DBS Bank nhận định chính quyền của Tổng thống Obama có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh các biện pháp tài chính, nếu Đảng Dân chủ bị mất nhiều ghế trong cuộc tuyển cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Trong một thông tin có liên quan, Larry Summers, được coi là "kiến trúc sư trưởng" trong chính sách kinh tế của ông Obama tuyên bố có thể sẽ rời Nhà Trắng vào cuối năm nay để quay lại với công tác giảng dạy tại Đại học Harvard./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục