Không khó để xử lý asen, mangan trong nước ngầm

Nước ngầm đóng góp rất nhiều cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho đô thị (40%) và nông thôn (70%-80%) và việc ô nhiễm nguồn nước ngầm ở tầng trên hiện là có. Tuy nhiên, một hệ thống lọc nước với quy trình lọc đơn giản cũng có thể loại bỏ được asen, mangan và một số chất độc hại có trong nước ngầm.
Gần đây, Báo điện tử Vietnam+ nhận được nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhiễm bẩn của nước ngầm-nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt hàng ngày.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác tài nguyên nước (thuộc Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.

Nước ngầm tốt hơn nước mặt

- Dư luận thời gian gần đây rất quan tâm về chất lượng nước ngầm phục vụ trong sinh hoạt. Xin bà cho biết thực trạng như thế nào?

Bà Trần Thị Huệ:
Nước ngầm đóng góp rất nhiều cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho đô thị (40%) và nông thôn (70%-80%). Việc ô nhiễm nguồn nước ngầm ở tầng trên là có.

Các khu vực bị ô nhiễm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu vực ven biển, khu trung tâm dịch vụ, phát triển kinh tế…

Với từng vùng, mức ô nhiễm sẽ là khác nhau.

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa nước ngầm và nước mặt, thì nguồn nước ngầm ở Việt Nam và nhiều nước khác luôn được đánh giá giá có chất lượng tốt và ổn định hơn. Thậm chí, có những giếng nước khai thác từ những năm 1960-1970 đến nay vẫn hoạt động tốt và ổn định.

Hiện chúng ta có nhiều khu vực nước ngầm rất tốt như vùng Tây Nguyên, các khu vực miền núi, xa khu công nghiệp…

Đó cũng là lý do mà người ta sử dụng nước ngầm cho việc cấp nước sạch. Nguồn nước ngầm ổn định sẽ giúp các nhà máy nước tiết kiệm được kinh phí so với nước mặt (nguồn nước mặt chạy qua các đô thị hầu hết đã bị ô nhiễm).

- Bà vừa nói đến tầng trên. Vậy tầng này cách bao nhiêu mét so với mặt đất?

Bà Trần Thị Huệ:
Tầng trên được tính từ mặt đất xuống sâu 30m. Tầng dưới là 35-70m.

- Nước ngầm nhiễm asen, mangan có phải nguyên nhân là do các hoạt động gây ô nhiễm từ con người không?

Bà Trần Thị Huệ:
Qua quá trình điều tra nghiên cứu, người ta cho biết asen, mangan không phải là ô nhiễm có nguyên nhân từ con người mà do bản chất trong trầm tích đất đá có chứa các chất đó.

Song, không phải chỗ nào cũng chứa trầm tích có asen mà việc phân bố của nó rất không có quy luật. Có khi 2 cái giếng ở cách nhau vài mét, nhưng có giếng kiểm tra thấy có asen, có giếng không. Còn về mangan thì ở tầng nước nông tại khu vực Hà Nội có tương đối nhiều.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước

- Có thể loại trừ được asen, mangan trong nước ngầm không?

Bà Trần Thị Huệ
: Cả asen và mangan đều có thể xử lý được.

Vừa qua, chúng tôi thực hiện đề án asen trên phạm vi toàn quốc để điều tra, khoanh vùng, xác định mức độ asen trong nước ngầm đến đâu. Kết quả cho thấy, mức độ hàm lượng asen cao trong nước ngầm ở Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam và vùng ven sông. Có những nơi vượt quá hàm lượng cho phép tương đối lớn, có những nơi thấp hoặc không thấy có.

Qua quá trình phân tích những mẫu nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc, rất hiếm thấy mẫu nước nào không đạt tiêu chuẩn.

- Việc xử lý các chất độc hại này có quá phức tạp và người dân có thể tự xử lý được không, thưa bà?
 
Bà Trần Thị Huệ: Ở khu vực đô thị, đương nhiên các nhà máy nước sẽ có hệ thống xử lý của mình và họ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của ngành y tế.

Ở nông thôn, không phải người dân tự xử lý hết. Đã có nhiều hệ thống cấp nước tập trung nông thôn ở khu tập trung dân cư, được nhà nước đầu tư thì cũng phải kiểm tra theo tiêu chuẩn ngành y tế.

Với những chỗ chưa có hệ thống cấp nước, thì người dân tự làm. Tuy nhiên, họ sẽ được hướng dẫn của Trung tâm cấp nước sinh hoạt nông thôn, thuộc chương trình cấp nước nông thôn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng phối hợp với Unicef hướng dẫn những mô hình xử lý nước, thậm chí lắp đặt hệ thống xử lý mẫu và hướng người dân làm theo.

- Một hệ thống lọc như vậy sẽ tiêu tiêu tốn bao nhiều tiền?

Bà Trần Thị Huệ:
Nếu làm bình thường, thì khoảng từ 1-2 triệu đồng.

Tuy nhiên, người dân phải rửa lọc theo quy trình và phải đi kiểm tra mẫu nước thường xuyên để biết chính xác nguồn nước mình sử dụng có an toàn hay không. Bên cạnh đó, cần ăn chín, uống sôi.

- Có ý kiến cho rằng, cần khoan giếng sâu, hoặc xây bể để tích trữ nước mưa trong sinh hoạt để có chất lượng nước tốt hơn. Điều này có đúng không, thưa bà?

Bà Trần Thị Huệ: Việc đào giếng sâu hay nông phải căn cứ vào từng vùng, từng khu vực.

Tôi lấy ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu đào giếng sâu sẽ gặp nước nhiễm mặn. Ở khu vực dọc vùng ven biển, nếu đào sâu vào tầng sét sẽ không có nước. Còn những vùng như Hà Nội thì đúng là đào giếng sâu ở tầng nước 60-70m sẽ có chất lượng nước tốt hơn.

Do đó, việc đào giếng nông, sâu cần có nhà chuyên môn tư vấn hợp lý.

Về nước mưa cũng được người dân nông thôn sử dụng phổ biến. Song, nước mưa hiện cũng có thể bị ảnh hưởng bởi axit và những thành phần khác trong bụi, không khí bị ô nhiễm. Do đó, trước khi sử dụng thì vẫn nên kiểm tra và định kỳ kiểm tra.

Bên cạnh việc người dân tự kiểm tra thì trách nhiệm của cơ quan y tế cũng rất quan trọng. Ngành này nên định kỳ kiểm tra nguồn nước để xác định cho người dân xem nước có an toàn hay không để đưa ra những khuyến cáo hợp lý.

- Xin cảm ơn bà!

Theo bà Trần Thị Huệ, nguồn nước ngầm tại Việt Nam có lượng sắt tương đối cao. Cho nên, người dân muốn sử dụng trực tiếp cũng không được vì nó rất bẩn, tanh, kết tủa nên bắt buộc phải xử lý qua hệ thống lọc. Việc lọc sắt này vô tình xử lý được asen.

Hệ thống xử lý vấn đề này khá đơn giản. Đầu tiên người ta bơm nước giếng khoan lên, cho tiếp xúc với không khí qua giàn phun mưa. Các oxit sắt tiếp xúc với không khí sẽ kết tủa, rơi xuống đáy. Người ta thiết kế hệ thống lọc để gạn bớt phần kết tủa, cho đi qua nhiều hệ thống bể chứa để lắng xuống. Chính việc đi qua nhiều bể chứa sẽ “lôi kéo,” giữ lại chất bẩn, trong đó có mangan, asen và nhiều chất khác. Cuối cùng, họ lọc nước qua hệ thống lọc cát (được làm bằng cát, sỏi, than, đá tổ ong…) là có nước sạch để sử dụng.

“Khi tiến hành đề án asen, chúng tôi có lấy mẫu từ nguồn nước giếng bị nhiễm asen và nước đã qua hệ thống xử lý. Kết quả cho thấy, nguồn nước để sử dụng cho việc ăn uống của người dân đều dưới tiêu chuẩn cho phép,” bà Huệ cho biết.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục