Hốt bạc nhờ Trung Quốc

Hàng xa xỉ vẫn hốt bạc nhờ nhà giàu Trung Quốc

Doanh số bán hàng của các hãng đồ hiệu như túi xách, nữ trang, nước hoa đều tăng nhờ mức tiêu thụ lớn ở thị trường Trung Quốc.
Nhờ nhu cầu về mức tiêu thụ đồ hiệu ở Trung Quốc tăng lên mag các công ty sản xuất hàng cao cấp đang vượt qua sự suy thoái trên quy mô toàn cầu, thu về lợi nhuận khổng lồ nhờ bán túi xách hàng hiệu, nữ trang và nước hoa đắt tiền. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2012 công bố tuần này cho thấy các thương hiệu lớn, gồm LVMH, PPR và Luxotica đều có lợi nhuận tăng cao tờ bán nhiều hàng ở các thị trường mới nổi. Kết quả này đi ngược lại với dự đoán của giới chuyên gia, nói rằng sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ làm giảm doanh thu hàng xa xỉ. Các vị sếp của những công ty trên thậm chí còn tin tưởng rằng con số tổng kết cuối năm sẽ vẫn tiếp tục đà đi lên. Công ty LVMH có trụ sở ở Paris, với các thương hiệu trong tay gồm công ty trang sức Bvlgari, nhà thiết kế thời trang Louis Vuitton và một loạt thương hiệu rượu champagne và rượu vang cao cấp, cho biết hôm thứ Năm rằng tổng lợi nhuận của họ đã tăng 28% trong nửa đầu năm lên mức 2,06 tỉ USD. Doanh số tăng 26% với 29% trong số đó tới từ khu vực châu Á, không tính Nhật Bản, thị trường lớn nhất của tập đoàn. "Chúng tôi tiến vào nửa sau năm nay với sự tự tin" - Giám đốc điều hành công ty Bernard nói. LVMH cho biết thị trường toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh, "dù môi trường kinh tế bất ổn diễn ra ở châu Âu." Một tập đoàn hàng cao cấp và bán lẻ hàng đầu khác của Pháp là PPR, cũng cho biết trong cùng ngày rằng lợi nhuận nửa năm của công ty tăng 5,9%, đạt mức 477 triệu Euro, sau khi tăng tới 17% doanh số. PPR hoạt động kinh doanh hàng cao cấp của PPR, gồm các thương hiệu thời trang như Gucci, Yves Saint Laurent và nhà kim hoàn Boucheron, đã tăng gần 1/3, bù lại việc sụt giảm 9,2% doanh số bán hàng thể thao của thương hiệu Puma. "Hoạt động kinh doanh ở toàn Trung Quốc vẫn rất tốt, với doanh số tăng trung bình 21,5%, riêng đại lục tăng vọt tới 24,4%" - công ty nói về bộ phận bán hàng cao cấp. Trong khi đó Luxotica, công ty sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới của Italy, thông báo lợi nhuận nửa đầu năm đã tăng 20,6% lên 195,5 triệu Euro. Công ty sản xuất các loại kính Oakley và Ray-Ban bên cạnh kính đặt hàng của Chanel và Prada, cho biết doanh số ở châu Âu tăng có 1% nhưng tại các thị trường đang lên, con số này là 35%. Kết quả tương tự cũng diễn ra tại công ty Hermes của Pháp, với doanh số nửa đầu năm tăng 21,9% đạt mức 1,59 tỉ Euro, với thị trường châu Á chưa tính Nhật Bản chiếm 25% trong số đó. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc giờ chiếm 40% thị phần hàng cao cấp toàn cầu và việc người Trung Quốc thích hàng hiệu đã thúc đẩy doanh số không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài, do người dân thích mua sắm khi ra nước ngoài du lịch.

Các cửa hàng đồ hiệu vẫn mọc lên như nấm ở Trung Quốc bất chấp khủng hoảng (Nguồn: AFP)
Dù thuế đánh vào xa xỉ phẩm khá cao ở đại lục Trung Quốc, các công ty vẫn tiếp tục mở rộng thị trường bán lẻ, với PPR đã mở thêm 22 cửa hàng ở Trung Quốc trong nửa đầu năm. Tuy nhiên các nhà phân tích vẫn cảnh báo về sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng bán hàng xa xỉ sẽ diễn ra, nếu nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nền kinh tế hiện tăng trưởng khoảng 7,6% trong quý 2 năm nay, nhưng đây là mức chậm nhất trong 3 năm qua, do các vấn đề kinh tế toàn cầu bắt đầu gây ảnh hưởng tới Trung Quốc. Thomas Mesmin, một nhà phân tích ở CA Chevreux tin rằng sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới hàng xa xỉ, không sớm thì muộn. "Người ta nói rằng hàng xa xỉ miễn nhiễm với khủng hoảng, nhưng điều này là sai lầm. Có một sự tương quan mạnh giữa sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và thị trường xa xỉ phẩm" - ông nói - "Chúng ta vẫn quen ăn trứng cá muối, nhưng ta có thể sẽ phải ăn thêm chút thịt cá hồi nữa"./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục