Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất

Chứng khoán châu Á phiên 15/7 biến động trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư mua lại cổ phiếu sau gần một tuần bị bán ra mạnh mẽ.
Chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/7 đã biến động không đồng nhất, trong bối cảnh các nhà đầu tư tranh thủ mua lại cổ phiếu hiện đã ở mức giá khá rẻ sau gần một tuần bị bán ra mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ tâm lý thận trọng do những quan ngại về vấn đề nợ công của Mỹ và khu vực Eurozone.

Tâm điểm lo ngại của thị trường trong phiên này vẫn là vấn đề nợ công của Mỹ.

Các nhà kinh tế, các quan chức tài chính và giới doanh nhân đều cảnh báo rằng việc Mỹ không đạt được thỏa thuận về nâng trần mức nợ 14.300 tỷ USD hiện nay của nước này sẽ gây nên một cơn sốc đối với nền kinh tế thế giới vốn đang rất mong manh vì vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cũng tái cảnh báo rằng việc nước Mỹ vỡ nợ sẽ là một thảm họa mà nước Mỹ "tự chuốc lấy" và nó sẽ hủy hoại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng thảm kịch nợ nần này xảy ra vào một "thời điểm rất xấu đối với thị trường," vào đúng lúc mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.

Như "đổ thêm dầu vào lửa," tuyên bố trong hai ngày liên tiếp (13 và 14/7) của hai hãng Moody's và Standard & Poor's về khả năng hạ thấp xếp hạng tín dụng của Mỹ, càng khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên tiến thêm 38,35 điểm (tương ứng tăng 0,39%) lên 9.974,47 điểm, khi đồng yen yếu đi khiến các nhà đầu tư lại đổ xô vào mua cổ phiếu của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Song tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường khi các nhà giao dịch còn chờ đợi kết quả việc giải quyết vấn đề trần nợ của nước Mỹ cũng như kết quả cuộc sát hạch các ngân hàng châu Âu.

Trong phiên này, các nhà đầu tư Nhật còn được khích lệ từ số liệu khả quan hơn dự kiến về doanh số bán lẻ trong tháng Sáu của Mỹ và lợi nhuận ấn tượng của hãng Google - những dấu hiệu hé mở khả năng một mùa báo cáo lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp Mỹ niêm yết.

Trong ngày 14/7, Google công bố lợi nhuận cho biết hãng đã đạt lợi nhuận ròng 2,51 tỷ USD trong quý 2, so với 1,84 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Đại gia ngân hàng JPMorgan cũng công bố lợi nhuận tăng 13% lên 5,4 tỷ USD trong quý 2 vừa qua.

Cùng tăng điểm với thị trường Nhật còn có các thị trường lớn khác trong khu vực như Hàn Quốc (tăng 0,71%), Đài Loan tăng 1,10% và Philippines tăng 0,80%.

Thị trường Trung Quốc phiên cuối tuần cũng đi lên khi chỉ số Shanghai Composite, bao gồm cả cổ phiếu loại A và B, tăng nhẹ 0,35%, tương đương 9,73 điểm, lên 2.820,17 điểm.

Ngược lại với xu thế tăng điểm trên là màu đỏ đi xuống trên các sàn Sydney (mất 0,38%, tương đương 17,2 điểm, xuống 4.473,5 điểm); Hong Kong (giảm 0,30%, tức 64,82 điểm, xuống 21.875,38 điểm) và New Zealand giảm 3,17 điểm.

Đêm trước (14/7) tại Phố Wall, trái ngược với phiên tăng điểm một ngày trước đó, chứng khoán Mỹ đã quay đầu đi xuống do những lo ngại về khả năng vỡ nợ của nước Mỹ nếu Quốc hội Mỹ không nhanh chóng thông qua việc nâng trần nợ.

Chốt phiên 14/7, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều lao dốc, với Dow Jones giảm 54,49 điểm (0,44%) xuống 12.437,12 điểm; S&P 500 bốc hơi 8,85 điểm (0,67%) xuống 1.308,87 điểm, còn Nasdaq Composite lùi về 2.762,71 điểm sau khi để mất 34,25 điểm (1,22).

Chứng khoán châu Âu cũng đỏ lửa trong phiên 15/7 với cả ba chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh giảm 1% xuống 5.846,95 điểm; DAX của Đức mất 0,73% xuống 7.214,74 điểm và CAC 40 của Pháp trượt xuống 3.751,23 điểm (-1,11%)./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục