Tăng hậu kiểm khi cấp phép hoạt động khoáng sản

Năm 2012, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ tăng cường chú trọng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động khoáng sản.
Nhằm quản lý chặt chẽ về khoáng sản và hoạt động khoáng sản, năm 2012, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ tăng cường chú trọng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động khoáng sản.

Qua đó, Tổng cục sẽ kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý đối với những địa phương và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi cố tình vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Theo nhận xét của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn, qua kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại 34 tỉnh, thành phố, các Đoàn kiểm tra liên Bộ đã phát hiện tới 120 giấy phép hoạt động khoáng sản vi phạm, trong đó số lượng giấy phép đề nghị phải thu hồi rất lớn. Nhưng hiện nay Tổng cục mới nhận được báo cáo của 14 tỉnh và thành phố về vấn đề này.

Do đó, để lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khoáng sản trong phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm việc chấp hành các kết luận của cơ quan nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; có cơ chế cụ thể để cấp huyện và cấp xã cùng tham gia vào công tác quản lý hoạt động khoáng sản ngay tại địa bàn cơ sở.

Cùng với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý những vi phạm trong hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên nhanh chóng thực hiện “Tổ chức xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước”, để thu lại nguồn ngân sách mà Nhà nước đã đầu tư; tiến hành thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhất là sớm có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Trong năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản biển, điều tra môi trường địa chất và tai biến địa chất. Bộ tập trung thực hiện các đề án như thăm dò quặng urani khu Pà Lừa-Pà Rồng tại huyện Nam Giang-Quảng Nam; điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng; điều tra, đánh giá tổng thể quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam; đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá ở các vùng núi./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục