Trà Vinh: Tôm sạch cần được đối xử công bằng

Tỉnh Trà Vinh, đã thực nghiệm thành công mô hình nuôi tôm sạch nhưng giá tôm bán ra chỉ bằng tôm thường nên chưa thu hút được người dân.
Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có hơn 4.000ha diện tích nuôi tôm sú, trong đó có khoảng 50% diện tích đủ tiêu chuẩn nuôi tôm sạch.

Từ năm 2007, huyện đã thực nghiệm thành công mô hình nuôi tôm sạch nhưng giá tôm bán ra chỉ bằng tôm thương phẩm bình thường nên chưa thu hút được người dân nhân rộng mô hình này.

Năm 2007, Trung tâm Khuyến ngư phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4 huyện vùng nước mặn thực hiện mô hình nuôi tôm sạch theo quy trình GAP với 29 hộ tham gia. Huyện Cầu Ngang được chọn 9 hộ, kết quả vụ nuôi có 7 hộ có lãi, 1 hộ hòa vốn và 1 hộ lỗ.

Khi thu hoạch, tôm đạt từ 20-30 con/kg, năng suất bình quân đạt khoảng 3 tấn/ha, hộ thu lãi thấp nhất là 20 triệu, cao nhất là 600 triệu. Anh Nguyễn Văn Hồ, ở ấp 5, xã Mỹ Long Nam thực hiên mô hình với diện tích 6ha, đã thu lãi 440 triệu ở vụ nuôi năm 2007.

Anh Hồ cho biết, quy trình nuôi tôm sạch cũng giống như tôm thương phẩm, chỉ khác là ngoài sử dụng các biện pháp cấy men vi sinh, nông dân không dùng chất kháng sinh, sử dụng chất tăng trọng với hàm lượng cho phép và sử dụng thức ăn theo mức khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Nhiều nông dân nuôi tôm sạch cho biết, chi phí tương đương với nuôi tôm thương phẩm, nhưng nặng về nhân công chăm sóc, bảo vệ nguồn nước, môi trường…

Tuy lợi nhuận chưa cao so với cách nuôi truyền thống, nhưng bà con nông dân đã có ý thức dùng chế phẩm sinh học cả hai hình thức công nghiệp và bán công nghiệp để bảo vệ môi trường.

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện, năm 2009, huyện Cầu Ngang có 100% hộ sử dụng chế phẩm sinh học cho thấy năng suất, hiệu quả nuôi tôm khá cao và ổn định. Năng suất bình quân nuôi công nghiệp 4,5 tấn/ha/vụ, bán thâm canh 1,5 tấn/ha/vụ và tôm thu hoạch trung bình từ 20-30 con/kg.

Việc dùng chế phẩm sinh học có tác dụng cải tạo ao, làm sạch môi trường trong quá trình nuôi, hạn chế vi khuẩn phát triển trong bùn và nước ao, tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, không sử dụng thuốc kháng sinh trong ao nuôi.

Theo ông Dương Tấn Đởm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cả nông dân lẫn cán bộ kỹ thuật đều đang trong tư thế sẵn sàng. Hiện, nông dân cần ngành chuyên môn chứng nhận cho sản phẩm đạt chuẩn “tôm sạch” và người nuôi tôm sạch phải được hưởng lợi về giá thì mô hình sẽ được triển khai, nhân rộng.

Muốn mô hình nuôi tôm sạch phát triển theo hướng bền vững trong những năm tới, các hộ nuôi cũng cần phải liên kết thành lập tổ hợp tác, các đơn vị thu mua phải có chính sách về giá, ít nhất tôm sạch cũng phải cao hơn từ 10-20% so với tôm thương phẩm./.

Lê Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục