57 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa từ đầu năm

Người phát ngôn Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cho biết, kể từ đầu năm đến nay đã có 57 ngân hàng tại Mỹ phải đóng cửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, người phát ngôn của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cho biết, kể từ đầu năm đến nay đã có 57 ngân hàng tại Mỹ phải đóng cửa.

Trong đó Georgia là bang có số ngân hàng bị đóng cửa nhiều nhất với 10 ngân hàng.

Số liệu này được công bố sau khi nhà chức trách Mỹ vừa làm thủ tục giải thể 4 ngân hàng nữa, gồm First Piedmont Bank tại bang Georgia, BankFirst tại bang South Dakota, cùng Temecula Valley Bank và Vineyard Bank tại bang California.

FDIC đã đồng ý để Công ty First American Bank and Trust Company quản lý toàn bộ tài sản trị giá 115 triệu USD của ngân hàng First Piedmont Bank.

Trong khi đó, ngân hàng Alerus Financial, National Association mua lại 72 triệu USD trong số tổng tài sản trị giá 275 triệu USD của ngân hàng BankFirst.

Công ty First-Citizens Bank & Trust Company ở bang North Carolina sẽ mua lại toàn bộ khoản tiền gửi trị giá 1,3 tỷ USD của ngân hàng Tumecula Valley và Ngân hàng California Bank & Trust sẽ mua lại tiền gửi trị giá 1,6 tỷ USD của ngân hàng Vineyard.

FDIC sẽ quản lý số tài sản và tiền gửi còn lại của các ngân hàng trên.

Vụ sụp đổ của 4 ngân hàng nói trên sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ USD của FDIC, nâng số tiền mà FDIC phải chi trả cho các ngân hàng phải đóng cửa từ đầu năm tới nay lên đến 13,4 tỷ USD.

Năm 2008, FDIC phải trả 17,6 tỷ USD tiền bảo hiểm cho 25 ngân hàng "sập tiệm".

Người phát ngôn của FDIC còn cho biết trong quý I năm nay khi nền kinh tế phát triển âm thì số "ngân hàng có vấn đề" tăng lên 305, con số cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Ngoài ra, từ khi nền kinh tế Mỹ bị coi là chính thức rơi vào suy thoái vào tháng 12/2007 đến nay đã có 83 ngân hàng phá sản./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục