Đơn hàng giảm, dệt may chật vật để giữ thị trường

Đơn hàng đang có dấu hiệu giảm sút, để giữ thị trường, doanh nghiệp dệt may VN đang nỗ lực tiết giảm chi phí, không tăng giá bán.
Xuất khẩu dệt may những tháng đầu năm 2012 đã có những dấu hiệu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải chạy vạy khắp nơi để lo đơn hàng, thậm chí nhiều công ty đã phải chấp nhận giảm giá bán để giữ thị trường và cạnh tranh.

Đối diện khó khăn

Tổng Công ty May Hưng Yên với qui mô sản xuất trên 4.500 lao động, năm 2011 doanh thu từ xuất khẩu của công ty đạt trên 200 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2012, áp lực về thị trường đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh, lượng đơn hàng của doanh nghiệp cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, hiện ngành may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty May Hưng Yên nói riêng lại quay trở lại quy luật cũ, tức là có biểu hiện của mùa vụ.

Nghĩa là sản xuất của tháng Hai, Ba và tháng Chín, Mười có dấu hiệu giảm xuống. “Thay vì mức tăng trưởng 33% như năm ngoái thì việc phấn đấu đạt mức tăng trên 10% trong năm 2012 cũng là vấn đề khó,” ông Dương băn khoăn.

Cũng theo ông Dương, mặc dù đã xác định đó là vấn đề bình thường của ngành may mặc và không có gì ngoài tầm kiểm soát nhưng hiện nay, trong vấn đề cạnh tranh, do sức mua giảm sút cũng như cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại thị trường châu Âu thì các nước đều tăng thuế để đánh vào hàng tiêu dùng khiến hàng hóa đắt lên.

Từ đó các nhà bán buôn và bán lẻ cũng có xu hướng ép các đơn vị cung ứng hàng cho họ phải giảm giá.

“Không ngoại trừ Việt Nam mà tất cả các thị trường khác đều phải giảm giá và vấn đề đối mặt trong năm nay sẽ phải là giảm giá để cạnh tranh, cùng với khách hàng giữ thị trường,” ông Dương nói thêm.

Được đánh giá là một trong số ít doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam, nhiều năm liên tiếp công ty Dệt May Hà Nội (Hanosimex) luôn đảm bảo mức tăng trưởng hơn 20%/năm.

Tuy nhiên, do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và việc di rời nhà máy ra khỏi các thành phố lớn, doanh nghiệp cũng đang đứng trước bài toán về đầu ra của đơn hàng xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Hanosimex, chia sẻ thật khó để đoán được kết quả sản xuất kinh doanh năm nay, nhưng chắc chắn sẽ không bằng năm 2011.

Năm 2012, được cho là năm nhiều khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng dự báo, tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 sẽ chỉ còn khoảng 10%, trong khi năm 2011 là 30%.

Trong số các doanh nghiệp thuộc hiệp hội, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV, trong khi cùng thời điểm năm ngoái hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý III.

“Mới có khoảng 70% doanh nghiệp ký được đơn hàng cho quý II, nhiều doanh nghiệp vẫn phải lo ăn đong từng bữa”, ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas cho biết.

Theo ông Hồng, tiêu thụ sản phẩm may mặc của thị trường toàn cầu năm 2012 sẽ không tốt như năm 2011, nên ngành dệt may Việt Nam khó mà tăng trưởng như năm vừa qua. Các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm mạnh ở thị trường châu Âu.

Giữ giá để cạnh tranh

Giải pháp của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may hiện nay là giảm đơn hàng sang thị trường châu Âu, chuyển trọng tâm sang làm hàng xuất khẩu vào các thị trường ít bị ảnh hưởng hơn như: Mỹ, Nhật và các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nga...

Nhưng biện pháp hữu hiệu nhất đang áp dụng thành công đó là tiết giảm chi phí, không nâng giá bán sản phẩm, cùng khách hàng giữ thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, nếu mình không lùi một chút thì các thị trường khác sẽ lấy hết hàng, vì thế mà ngay trong năm 2011, khi xác định được những khó khăn kể trên và vấn đề kịch trần nợ công ở Mỹ, châu Âu, động đất ở Nhật Bản thì từ tháng 9/2011 Tổng Công ty May Hưng Yên đã chủ động thông báo với khách hàng.

Thứ nhất là không tăng giá gia công, cho dù năm 2012 trong nước doanh nghiệp đang phải đứng trước nhiều áp lực như: Bảo hiểm xã hội tăng, nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu... tăng. Hơn nữa những đơn hàng dài còn giảm giá để cùng khách hàng cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp cũng tiếp tục làm việc với các khách hàng truyền thống để ổn định đơn hàng, giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước...

Theo Vitas, năm 2011, xuất khẩu theo phương thức ODM của toàn ngành mới đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng dự kiến tỷ lệ này sẽ được nâng lên 15% vào năm 2015 và 20% năm 2020.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho biết ngay từ cuối năm 2011, Vinatex đã xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu chính, tiết kiệm nhiên liệu, giảm các chi phí gián tiếp với tổng số tiền 489,6 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng chi phí sản xuất của Tập đoàn.

Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu, ngoài số tiền tiết kiệm đã đề ra kế hoạch đầu năm, sẽ tiết kiệm thêm 178,6 tỷ đồng, và tổng lợi nhuận sau khi tiết kiệm theo Nghị quyết 01/NQ-CP sẽ là 1.691,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc ký giao ước giữa lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam với 15 tổng công ty, công ty trọng yếu về thực hiện sản xuất kinh doanh 2012 và thực hành tiết kiệm sẽ là một định hướng quan trọng để ngành dệt may Việt Nam hoàn thành mục tăng trưởng khoảng 10-12% so với năm 2011, đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD,  trong đó, xuất siêu đạt 7 tỷ USD./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục