Ngành dệt lụa ở Campuchia có nguy cơ bị xóa sổ

Ngành dệt lụa Campuchia đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, do tình trạng giá chỉ tơ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao so với năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội các làng nghề dệt lụa Khmer (KSVA), Hoàng thân Sisovath Pheanuroth, lo ngại rằng giá chỉ tơ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao đang đe dọa sự tồn tại của ngành dệt lụa Campuchia.

Các báo cáo của KSVA nhận định tình trạng giá chỉ tơ nhập khẩu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (từ 27.500 USD/tấn lên 40.000 USD/tấn) đang đe dọa công ăn việc làm của 20.000 thợ dệt trong các làng nghề Campuchia.

Các chuyên gia của KSVA dự báo giá cả sẽ tăng tới lên 45.000-50.000 USD/tấn vào cuối năm nay vì nguồn cung nguyên liệu đang có xu hướng sụt giảm mạnh.

Hoàng thân Pheanuroth cho biết với sản lượng khoảng 4 tấn chỉ tơ/năm, hiện Campuchia chỉ đáp ứng được 0,25% nhu cầu trong nước. Trong giai đoạn 2005-2009, Campuchia nhập khẩu 300-400 tấn chỉ tơ/năm từ Việt Nam và Trung Quốc để dệt các sản phẩm hoàn chỉnh. Khoảng 30% số sản phẩm này được xuất khẩu, số còn lại đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Phó Tổng thư ký KSVA, Ke Munny thừa nhận, từ tháng 7/2010, gần một nửa số thợ dệt lụa tại các làng nghề đã bỏ nghề vì sản phẩm làm ra không thể bán được với giá cao hơn, vì vậy công việc này không thể có lãi.

Hồi tháng 4/2010, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành sắc lệnh miễn thuế cho mặt hàng chỉ tơ nhập khẩu, cũng như thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, sắc lệnh này chưa đủ để giúp ngành dệt lụa Campuchia chống đỡ được tác động của việc giá chỉ tơ nhập khẩu tăng liên tục.

Từ cuối năm 2008, Hoàng thân Pheanuroth đã cảnh báo ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế Campuchia này có thể sụp đổ, nếu số lượng làng nghề dệt lụa trong nước và lượng nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục sụt giảm.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ có biện pháp hỗ trợ mở rộng diện tích trồng dâu và phát triển nghề nuôi tằm trong nước./.

Trần Long (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục