Khủng hoảng tạm lắng

Cơn bão khủng hoảng nợ công châu Âu đã tạm lắng

Những tiến triển tại Hy Lạp đang nhen nhóm những hy vọng rằng sóng gió trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã tạm lắng.
Cùng với những tiến triển tại Hy Lạp, quốc gia có gánh nợ công "đáng sợ" nhất trong khu vực Eurozone, những số liệu mới công bố về các nền kinh tế trong khu vực, từ nền kinh tế đầu tàu là Đức đến quốc gia cũng đang có vấn đề về nợ công như Italy cũng như những nước cũng đã từng phải nhận cứu trợ là Ireland và Bồ Đào Nha, đang nhen nhóm những hy vọng để người ta tin rằng sóng gió trong cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài nhiều năm nay xem ra đã tạm lắng.

Điểm nóng Hy Lạp đã hạ nhiệt

Trước hết, mối lo ngại Hy Lạp có thể vỡ nợ ngay trong tháng 3 đã lùi lại phía sau. Sau khi Hy Lạp hoàn tất thỏa thuận hoán đổi nợ lịch sử với các chủ nợ tư nhân vào ngày 12/3, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) trong cùng ngày đã thông qua lần cuối đối với gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (170 tỷ USD) cho nước này và hai ngày sau đã quyết định giải ngân các khoản cho vay đầu tiên 39,4 tỷ euro.

Ngày 15/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thông qua khoản vay 28 tỷ euro cho Hy Lạp như một phần của gói cứu trợ và sẽ giải ngân ngay lập tức 1,65 tỷ euro. Sự phê chuẩn này của IMF đã kết thúc nhiều tháng lo âu của Hy Lạp, khi đất nước cận kề nguy cơ phá sản, với nghĩa vụ thanh toán 14,5 tỷ euro vào ngày 20/3.

Trong khi các khoản cứu trợ bắt đầu được rót cho Hy Lạp, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng đã xem xét lại mức tín nhiệm nợ của nước này. Standard & Poor's ngày 15/3 đã đánh giá độ tín nhiệm của số trái phiếu mới của Hy Lạp được phát hành sau thỏa thuận hoán đổi nợ ở mức CCC. Trước đó, Fitch Ratings vào ngày 13/3 cũng đã nâng mức tín nhiệm của Hy Lạp từ "vỡ nợ hạn chế" lên B-, với triển vọng ổn định.

[Hy Lạp thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai]


Đây là lần đầu tiên xếp hạng của Hy Lạp được nâng lên kể từ khi khủng hoảng nợ bắt đầu vào cuối năm 2009 và cũng là lần đầu tiên Fitch nâng xếp hạng của Hy Lạp kể từ năm 2003. Fitch cho rằng thỏa thuận hoán đổi nợ đã giúp Hy Lạp bớt đi đáng kể mối lo về nợ nần cũng như giảm nguy cơ tái diễn những khó khăn ngắn hạn trong thanh toán nợ.

Cùng với đó, triển vọng kinh tế - tài chính của Hy Lạp cũng được nhận định tương đối lạc quan. Sau khi thông qua khoản hỗ trợ mới cho Hy Lạp, IMF nhận định đất nước đang gánh trên vai núi nợ lớn này sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2014. IMF dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ giảm 4,8% trong năm 2012, không tăng trưởng trong năm 2013 và tăng 2,5% vào năm 2014. Thiết chế cho vay này cũng nhận định mức nợ của Hy Lạp sẽ tăng từ 163% GDP vào năm 2012 lên 167% GDP vào năm 2013, song sau đó sẽ từng bước giảm xuống 116,5% GDP vào năm 2020, trong khi mục tiêu là 120% GDP.

Loé lên những tia hy vọng

Trước hết phải nói tới nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu. Đức luôn có đóng góp lớn nhất trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực. Theo kết quả khảo sát của tổ chức ZEW công bố ngày 13/3, lòng tin của các nhà đầu tư Đức trong tháng 3 đã tăng lên 22,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2010 và là tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số lòng tin tăng mạnh đang làm gia tăng hy vọng kinh tế Đức sẽ trụ vững khi các nền kinh tế khác trong Eurozone rơi vào suy thoái.

Thêm vào đó, Italy đã thành công lớn trên thị trường trái phiếu, khi đã phát hành được 6 tỷ euro (7,8 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 7 năm trong ngày 14/3, với lãi suất thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên tin tưởng hơn vào kinh tế Italy và hơn thế, đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone đang dịu bớt. Chỉ 3 tháng trước, Italy còn được nhận định có thể là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, số liệu mới công bố cho thấy thặng dư thương mại của Ireland trong năm 2011 đạt kỷ lục 44,697 tỷ euro (58,347 tỷ USD), nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Mức thặng dư thương mại của nước này trong tháng 1/2012 cũng tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 8,5% so với tháng trước đó, đạt 3,246 tỷ euro. Điều đáng nói là Ireland đã từng phải nhận sự cứu trợ tài chính 85 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Nước này hiện vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu trong nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế. Sự tăng trưởng xuất khẩu là một tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế Ireland có thể còn phục hồi mạnh mẽ hơn nữa.

Một tin vui khác đến từ Bồ Đào Nha, khi Bộ trưởng Tài chính nước này, Vitor Gaspar, tuyên bố Bồ Đào Nha đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi thực hiện chương trình điều chỉnh kinh tế. Theo đánh giá của IMF, Bồ Đào Nha có thể đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách 4,5% GDP trong năm nay. Bên cạnh đó, nước này cũng đang giảm mức nợ nhanh hơn dự báo. Bồ Đào Nha đã phải nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (103 tỷ USD) từ EU và IMF vào tháng 5/2011.

Vẫn thấp thỏm nỗi lo

Theo bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), nguy cơ lan rộng cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone vẫn còn. EIU cho rằng Hy Lạp có thể sớm cần thêm một gói cứu trợ nữa bởi mức nợ vẫn còn quá cao và có ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng bền vững trở lại. Thêm vào đó, vấn đề kiểm soát chi tiêu của Tây Ban Nha giờ đây đang trở thành một phép thử đối với Hiệp ước tài chính mới của châu Âu.

EIU cho rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt nhằm cắt giảm chi tiêu đã khiến kinh tế Hy Lạp rơi vào suy thoái kéo dài, nguồn thu ngân sách giảm và nợ tăng lên. EIU dự báo rằng mức nợ của Hy Lạp sẽ lại tăng trở lại lên mức 140-160% GDP vào năm 2020, làm cho việc trả nợ trở nên bất khả thi. Khả năng vỡ nợ của Hy Lạp vì thế vẫn được cho là "hữu hình và đáng kể", không chỉ do mức nợ vẫn rất cao sau khi hoán đổi nợ mà còn vì những thách thức kinh tế to lớn. Sự chậm chạp trong việc tiến hành những cải cách, sự không chắc chắn về chính trị và suy thoái kinh tế vẫn có thể đẩy Hy Lạp vào tình trạng phá sản.

Trong khi đó, Tây Ban Nha lại đang nổi lên như một thách thức mới đối với Eurozone. Sau khi chính phủ tiền nhiệm của nước này thông báo đã bỏ lỡ mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2011, chính phủ mới nói sẽ không thực hiện được mục tiêu của năm nay.

Mức thâm hụt ngân sách của năm ngoái là 8,5% GDP, so với mục tiêu 6% GDP, còn của năm nay chỉ có thể giảm xuống 5,8% GDP, thay vì 4,4% GDP như dự kiến. Các bộ trưởng tài chính Eurozone đã yêu cầu Tây Ban Nha phải giảm mức thâm hụt trong năm nay xuống tối thiểu là 5,3% GDP. Nhiều người lo ngại mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2013 xuống mức trần 3% GDP cũng sẽ là "nhiệm vụ bất khả thi" với Tây Ban Nha.

Để loại bỏ mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng hơn, các bộ trưởng tài chính Eurozone đang nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ là tăng quy mô quỹ cứu trợ tới mức đủ lớn để có thể trợ giúp các nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha và Italy nếu cần, và giám sát mức thâm hụt ngân sách một cách hiệu quả hơn. "Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế" mà 25/27 nước châu Âu vừa chính thức ký vào chính là nhằm siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục