Gian nan kiểm soát an toàn

Gian nan kiểm soát an toàn thực phẩm vào dịp Tết

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết gian nan do Hà Nội không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn mà còn trung chuyển đến nơi khác.
Gần Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trở nên sôi động, đặc biệt tại các chợ đầu mối, trang trại chăn nuôi, làng nghề. Đây là dịp để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, hộ gia đình tập trung tổng lực tung sản phẩm, hàng hóa ra thị trường tìm kiếm lợi nhuận.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội còn là trạm trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các nơi đổ về rồi lại tỏa đi các địa phương khác. Vì vậy, đây là thị trường phong phú đa dạng song cũng khó kiểm soát, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Khó kiểm soát

Tại chuyên mục "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" được phát sóng trên chương trình thời sự VTV1 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, dù đợt ra quân kiểm tra thực phẩm Tết chưa phát hiện mẫu thực phẩm nào vi phạm nhưng vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn rất đáng lo ngại. Hà Nội cũng không phải là địa phương ngoại lệ.

Mặc dù ra quân chưa “bắt” được “thủ phạm” nhưng các ngành chức năng của Hà Nội thừa nhận, nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa thể kiểm soát được, công tác quản lý ở lĩnh vực này cũng vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, hiện nay, vấn đề kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, rau xanh, thực phẩm, nhãn mác hàng hóa...trên địa bàn vẫn còn rất yếu ở cả ba ngành nông nghiệp, công thương và y tế.

Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế băn khoăn trước mối lo về việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, kháng sinh trong chăn nuôi. “Nếu như ở nước ngoài, quy trình thu hái của họ rất chuẩn, nhưng ở Việt Nam lại rất đáng lo ngại, việc phun hóa chất không đúng thời gian, phun xong hái luôn để rau quả mỡ màng, chuối thì châm hóa chất vào cuống cho nhanh chín, vậy Hà Nội có giải pháp gì để quản lý vấn đề này? Cơ quan quản lý yêu cầu người dân phải là người tiêu dùng thông thái nhưng căn cứ vào đâu để người dân lựa chọn. Đây là một nội dung quan trọng mà ngành chức năng cần phải giải quyết!”, ông Chính nói.

Đối với vấn đề kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau và kiểm dịch động vật, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp đã kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng vẫn còn một số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Trong năm nay, vấn đề này sẽ được ngành quan tâm, siết chặt hơn.

Điều lo ngại hiện nay là Hà Nội mới chỉ cung ứng được 40% lượng rau xanh cho người dân thành phố, 60% rau còn lại nhập bên ngoài vẫn khó kiểm soát.

Vấn đề quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, ngành nông Nghiệp cũng chưa thể kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Còn 14 cơ sở giết mổ tập trung thì 7 cơ sở giết mổ công nghiệp đều đã ngừng hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Hàng năm, người dân thành phố tiêu thụ trên 200 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm trong đó chỉ có trên 63% đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại thịt từ các nơi khác chuyển về thì chưa thể kiểm soát được.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, công tác quản lý trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chưa đủ các thông tư hướng dẫn cụ thể. Một số thông tư hướng dẫn mới được ban hành nên nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được, do đó khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Riêng ngành công thương, trong quá trình cấp “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” lại chưa có thông tư qui định về thu phí và lệ phí. Trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận này cũng chưa phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn

Hiện nay, Bộ Công Thương mới phân cấp cho Sở còn quận, huyện, xã, phường lại chưa được phân cấp. Dó đó số lượng cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn rất thấp, nhiều cơ sở chưa được cấp, tức hoạt động trái phép nhưng chưa được xử lý.

Về vấn đề cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Quỳnh Vân, đại diện Sở Công Thương cũng cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận hiện nay đối với Sở rất khó, vì thiếu nhân lực. “Cả Sở chỉ có 2 cán bộ chuyên trách, còn quận huyện lại chưa có nhân lực, vì vậy chúng tôi chưa triển khai được trên diện rộng”.

Đây là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương, cần được các ngành chức năng sớm tháo gỡ để triển khai được thuận lợi, tránh sự chồng chéo. Mặt khác, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiệu quả của công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn cũng chưa cao, kiểm tra nhiều nhưng xử lý chưa được bao nhiêu, chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn khó khăn.

Đề cập đến một khía cạnh về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố bày tỏ sự lo ngại "Cần phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các làng nghề. Nếu không sau này sự tăng trưởng của làng nghề so với kinh phí phải đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực này sẽ là âm".

Giải pháp khắc phục

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết năm 2013, với trách nhiệm cao nhất, ngành sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề bức xúc trong an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và các lễ hội sau đó, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ hoạt động “hết công suất” để mang lại bữa ăn an toàn cho người dân.

Cụ thể, trong thời gian tới, công tác thông tin, giáo dục truyền thông an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được coi trọng, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và phân cấp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ thành phố đến xã, phường, thị trấn; củng cố mạng lưới làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ba ngành công thương, y tế và nông nghiệp cũng như kiện toàn ban chỉ đạo, đội ngũ mạng lưới làm công tác này…

Công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm được thành phố tăng cường, kiên quyết xử lý các vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến nông lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động chuyên ngành của ba ngành cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội và sự ủng hộ của người dân thì mới nâng cao được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, các cơ quan chức năng của trung ương như Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan cần tăng cường kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng vận chuyển nông, lâm, thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục từ biên kia biên giới về bán lén lút tại Hà Nội.

Cục Quản lý Thị trường chỉ đạo các Chi cục tại các tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông gia cầm trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội.

Các Bộ, ngành sớm ban hành đủ các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP để có cơ sở tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo Luật an toàn thực phẩm trên địa bàn; nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các sản phẩm nhập lậu thuộc ngành nông nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo việc duy trì hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chuỗi trong thời gian từ 3-5 năm cung ứng sản phẩm an toàn bền vững, hỗ trợ đầu tư sản xuất và tạo thương hiệu cho các sản phẩm áp dụng theo chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục